Hoang mạc là nơi khô cằn, không có sự sống, biểu
trưng cho nơi quỷ dữ cư ngụ. Hoang mạc còn là nơi tiềm ẩn sự sống, nơi
tôi luyện để chiến thắng ma quỷ.
Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, chúng ta cùng xem xét ý nghĩa.
Hoang mạc nơi thử thách:
Là nơi ở của quỷ dữ, khô cằn, không sức sống. Vào
hoang mạc để đối đầu trực diện với tất cả khó khăn đó. Ma quỷ cư ngụ ở
hoang mạc, tượng trưng cho tất cả sức mạnh gây rối loạn, làm suy yếu, mờ
tối lương tri, làm suy thoái giá trị tinh thần, nó đại diện cho kẻ ác.
Nó có thể mang những bộ đồ sang trọng hoặc bộ mặt nhăn nhúm. Trên đầu nó
mang sừng, bàn chân xẻ đôi, trên mình đầy lông lá, hoặc cả khi nó cải
trang như một thiếu nữ duyên dáng trong bộ quần áo trắng muốt. Những
hình ảnh đó, cho thấy nó có thể khoác vào mình các thứ phục trang, đội
lốt bề ngoài, nhưng bản chất vẫn luôn là kẻ lừa đảo, cám dỗ, và đao phủ.
Ma quỷ, chính vì thế gắn liền với hoang mạc, cho thấy bản chất của nó
tương trưng cho sự sa đọa tinh thần, đổ vỡ nhân cách. Con người để ma
quỷ chiếm hữu, có nhiều đặc điểm giống như thế.
Xem xét theo bề ngoài, trực diện, dường như ma quỷ
thắng thế ở trong hoang mạc, bởi vì thấy nó cư ngụ trong đó. Thực chất,
ma quỷ thống trị các thứ hoang tàn, không sự sống, tất cả những cái nó
sở hữu chỉ là ảo tưởng, giống như cái ảo giác của một người trong sa mạc
khi thiếu nước. Chính cái ảo giác này mới có thể đánh lừa được con
người khi bám đuổi theo: Của cải, danh vọng, địa vị. Cuối cùng bị ma quỷ
chiếm hữu.
Khi lòng người như hoang mạc, nhân ái cũng cằn khô,
nhân tâm cằn cỗi, con người với nhau như là ác quỷ. Bởi thế hoang mạc
cũng là nơi của thú dữ hoành hành, con người phải sống chung với thú dữ,
loài thú không có lương tri, chỉ biết cắn xé, điên dại trong cái tham
lam, cuồng dại trong những đam mê, con người công chính luôn chịu thử
thách.
Thắng được ma quỷ.
Trong hoang mạc, người chiến binh muốn chiến thắng,
vượt qua được chước ma quỷ, cần nhờ đến lương thực thần linh. Xưa kia,
dân Do Thái vượt qua hoang mạc, đã được nuôi sống bằng thứ bánh bởi
trời, cho thấy một ý nghĩa: con người chỉ trông đợi hoàn toàn vào ân
sủng của Thiên Chúa. Ngày nay, trên hoang mạc trần gian, người tín hữu
cũng được nuôi dưỡng nhờ Bánh Bởi Trời, trong bí tích Thánh Thể.
Nơi hoang mạc, được Chúa Thánh Thần dẫn vào, điều này
cho thấy hình ảnh của Hosê nói xưa: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hose 2, 16). Nơi hang
vắng để sống đời cầu nguyện, các ẩn sĩ xưa kia vào hoang mạc để sống ẩn
tu, các ngài cũng ý thức tự thẳm sâu của tâm hồn: Chỉ trông cậy vào ân
sủng của Thiên Chúa để đương đầu với tội lỗi trong chính mình và cũng
nhờ ân sủng của Thiên chúa mà chiến thắng được tội lỗi. Ngày nay, những
hoang mạc để rút vào đó sống đời cầu nguyện không còn nữa, nhưng những
cuộc thao dượt chiến đấu thiêng liêng, cũng dẫn dắt những người ước muốn
vào nơi thanh vắng để cầu nguyện và thao luyện trong các tu viện hay
đan viện.
Vượt qua những cám dỗ, là để sống có trách nhiệm với
nhau, dứt bỏ được cái tôi để sống với người khác. Cuộc chiến vì thế,
không chỉ cho mình, nhưng để cuộc sống nhân ái hơn, những chước ma quỷ
không dùng chống lại con người nữa. Hoang mạc sẽ nở hoa, những dòng sông
lại chảy và sự sống được khôi phục. Không có Chúa con người không thể
chiến thắng, mọi nguồn sống đều do Thiên chúa khai mở và ban cho. Người
vào trong hoang mạc, để ý thức về chính mình thuộc về Thiên Chúa.
Hoang mạc, cuộc sống vẫn có những hoang mạc của lòng
người ích kỷ, chỉ biết tìm khoái lạc, thụ hưởng cho mình. Vẫn còn là
hoang mạc nơi con người chịu thử thách và nhờ ơn Chúa mới thực sự sống
cho nên người và nên thánh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét