Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GIA ĐÌNH



Mùa Xuân tràn khắp không gian, nhưng sâu thẳm trong tâm lòng mỗi người còn quá nhiều cánh rừng hoang vu vẫn ngủ vùi, lạnh giá. Ánh sáng và hơi ấm vẫn chưa đụng chạm tới được.
Khi nói đến gia đình (FAMILY), ai đó vẫn nhắc đến định nghĩa FATHER AND MOTHER I LOVE YOU. Đây là một góc nhỏ của định nghĩa gia đình. Và để có một gia đình đúng nghĩa, người chủ gia đình là chồng, là bố - một trách nhiệm không hề nhỏ và không hề đơn giản. Vì vậy, 1 chút suy tư trong dịp đầu năm, lễ Valentine, và cùng tiếp ngày 19.3 là lễ kính Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ, bổn mạng các vị gia trưởng, tất cả các người chồng, người cha trong gia đình.
Trong Kinh Thánh, ông Giuse (Joseph) được gọi là người công chính (Mt 1,19).
Đầu tiên, theo chữ Hán, đó là người thẳng thắn, (chính gồm bộ trựcngôn hay bên dưới còn có Tâm) có sao nói vậy. Có thể là người tôt theo luât pháp và cũng có thể là người tốt theo vấn đề tình người. Thứ đến, khi nhân hậu, thẳng thắn thì thường là người bao dung, quảng đại không chấp nhặt chuyện nhỏ, lỗi sai của người khác. Người công chính biết ý nghĩa cuộc sống, tôn trọng ơn gọi sống của mình và của người xung quanh. 
Chính Thánh Giuse đã quyết định sống trong hiện tại, tuân phục cái-Thiên-Chúa chờ đợi trong giờ phút hiện tại: Khi biết Đức Maria – người đã hứa hôn với mình – đang mang thai; ông không biết, không hiểu, nhưng ông tôn trọng Maria, việc đó là của Chúa và Maria.  Ngài đã quyết định “trả tự do” cho Mẹ bằng cách âm thầm kín đáo ra đi. Nghĩa là quyết định “từ bỏ hợp đồng” chứ không “huỷ bỏ hợp đồng”! Quả là một quyết định cao thượng đầy nhân bản. Để rồi Ngài làm trổi vượt một nhân tâm an lạc, biết lắng nghe, biết nghiệm thức sống, và hành động theo thánh ý Chúa suốt cuộc đời mình qua những giấc mơ!
Thiên Chúa đã bước vào cuộc đời của Thánh Cả Giuse bằng những giấc mộng! Còn thánh nhân thì “ngộ ra” thánh ý của Người qua những lần “mộng, mơ” vậy! Sau những lần gặp gỡ thánh ý Thiên Chúa qua những cơn mơ, Thánh Giuse không những bằng lòng lắng nghe, mà còn vâng lời thi hành lập tức (x. Mt 1,18-24; Mt 2,13-14.19-20).
 Nhưng có một điều quan trọng được khẳng định sự công chính “không phải do tự các việc ta làm trong đàng công chính, nhưng là chiếu theo lòng thương xót của Người, nhờ phép rửa tái sinh và sự canh tân đổi mới của Thánh Thần”(Tt 3,5) . Đức công chính  nằm thẳm sâu trong tâm lòng của người tràn đầy ân sủng. Và kiến tạo nên con người của Lòng Thương Xót.
Một gia đình có 1 trưởng gia công chính bảo vệ gia đình đó sẽ trở nên thánh thiện và yên bình.

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

HOANG MẠC


Hoang mạc là nơi khô cằn, không có sự sống, biểu trưng cho nơi quỷ dữ cư ngụ. Hoang mạc còn là nơi tiềm ẩn sự sống, nơi tôi luyện để chiến thắng ma quỷ.
Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, chúng ta cùng xem xét ý nghĩa.
Hoang mạc nơi thử thách:
Là nơi ở của quỷ dữ, khô cằn, không sức sống. Vào hoang mạc để đối đầu trực diện với tất cả khó khăn đó. Ma quỷ cư ngụ ở hoang mạc, tượng trưng cho tất cả sức mạnh gây rối loạn, làm suy yếu, mờ tối lương tri, làm suy thoái giá trị tinh thần, nó đại diện cho kẻ ác. Nó có thể mang những bộ đồ sang trọng hoặc bộ mặt nhăn nhúm. Trên đầu nó mang sừng, bàn chân xẻ đôi, trên mình đầy lông lá, hoặc cả khi nó cải trang như một thiếu nữ duyên dáng trong bộ quần áo trắng muốt. Những hình ảnh đó, cho thấy nó có thể khoác vào mình các thứ phục trang, đội lốt bề ngoài, nhưng bản chất vẫn luôn là kẻ lừa đảo, cám dỗ, và đao phủ. Ma quỷ, chính vì thế gắn liền với hoang mạc, cho thấy bản chất của nó tương trưng cho sự sa đọa tinh thần, đổ vỡ nhân cách. Con người để ma quỷ chiếm hữu, có nhiều đặc điểm giống như thế.
Xem xét theo bề ngoài, trực diện, dường như ma quỷ thắng thế ở trong hoang mạc, bởi vì thấy nó cư ngụ trong đó. Thực chất, ma quỷ thống trị các thứ hoang tàn, không sự sống, tất cả những cái nó sở hữu chỉ là ảo tưởng, giống như cái ảo giác của một người trong sa mạc khi thiếu nước. Chính cái ảo giác này mới có thể đánh lừa được con người khi bám đuổi theo: Của cải, danh vọng, địa vị. Cuối cùng bị ma quỷ chiếm hữu.
Khi lòng người như hoang mạc, nhân ái cũng cằn khô, nhân tâm cằn cỗi, con người với nhau như là ác quỷ. Bởi thế hoang mạc cũng là nơi của thú dữ hoành hành, con người phải sống chung với thú dữ, loài thú không có lương tri, chỉ biết cắn xé, điên dại trong cái tham lam, cuồng dại trong những đam mê, con người công chính luôn chịu thử thách.
Thắng được ma quỷ.
Trong hoang mạc, người chiến binh muốn chiến thắng, vượt qua được chước ma quỷ, cần nhờ đến lương thực thần linh. Xưa kia, dân Do Thái vượt qua hoang mạc, đã được nuôi sống bằng thứ bánh bởi trời, cho thấy một ý nghĩa: con người chỉ trông đợi hoàn toàn vào ân sủng của Thiên Chúa. Ngày nay, trên hoang mạc trần gian, người tín hữu cũng được nuôi dưỡng nhờ Bánh Bởi Trời, trong bí tích Thánh Thể.
Nơi hoang mạc, được Chúa Thánh Thần dẫn vào, điều này cho thấy hình ảnh của Hosê nói xưa: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hose 2, 16). Nơi hang vắng để sống đời cầu nguyện, các ẩn sĩ xưa kia vào hoang mạc để sống ẩn tu, các ngài cũng ý thức tự thẳm sâu của tâm hồn: Chỉ trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa để đương đầu với tội lỗi trong chính mình và cũng nhờ ân sủng của Thiên chúa mà chiến thắng được tội lỗi. Ngày nay, những hoang mạc để rút vào đó sống đời cầu nguyện không còn nữa, nhưng những cuộc thao dượt chiến đấu thiêng liêng, cũng dẫn dắt những người ước muốn vào nơi thanh vắng để cầu nguyện và thao luyện trong các tu viện hay đan viện.
Vượt qua những cám dỗ, là để sống có trách nhiệm với nhau, dứt bỏ được cái tôi để sống với người khác. Cuộc chiến vì thế, không chỉ cho mình, nhưng để cuộc sống nhân ái hơn, những chước ma quỷ không dùng chống lại con người nữa. Hoang mạc sẽ nở hoa, những dòng sông lại chảy và sự sống được khôi phục. Không có Chúa con người không thể chiến thắng, mọi nguồn sống đều do Thiên chúa khai mở và ban cho. Người vào trong hoang mạc, để ý thức về chính mình thuộc về Thiên Chúa.
Hoang mạc, cuộc sống vẫn có những hoang mạc của lòng người ích kỷ, chỉ biết tìm khoái lạc,  thụ hưởng cho mình. Vẫn còn là hoang mạc nơi con người chịu thử thách và nhờ ơn Chúa mới thực sự sống cho nên người và nên thánh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

VỀ VỚI NGƯỜI YÊU

 (Suy niệm Lời Chúa Lễ Tro)



Yêu nhau nên gần nhau

Không phải gần nhau mà người ta yêu nhau, nhưng vì yêu nhau nên gần nhau. Không phải gần Chúa mà yêu Chúa, nhưng vì yêu Chúa, người ta mới gần Chúa được.
Cụ thể trong bối cảnh truyền giáo và tái truyền giáo tại Việt Nam: đã có không ít người được ở gần nhà thờ, được thường xuyên tham dự thánh lễ và các bí tích, được nghe giảng dạy Tin Mừng… nhưng lòng khao khát của họ thật đáng trân trọng. Thiết nghĩ, họ khao khát Chúa, họ yêu mến Chúa, nên họ đang gần Chúa lắm. Kể cả những người đang đầu tắt mặt tối kiếm sống qua ngày không có thời gian đến nhà thờ nhà thánh, hoặc người xấu hổ vì tội lỗi, ngại ngùng xuất hiện chỗ thánh thiêng sợ ánh mắt của bao người nổi tiếng là tốt lành đạo hạnh phê phán… nhưng lòng họ vẫn hướng về Chúa với lòng khát khao yêu. Có thể kể đến những người chưa biết Chúa, họ đang là những con người có đạo theo hướng dẫn của lương tâm công chính ngay thẳng, thiết nghĩ, lòng khao khát chân lý của họ thật lớn lao.
Không biết ai đang gần Chúa hơn ai.

Tiếng gọi tình yêu

Mùa chay như tiếng gọi tình yêu rất đỗi tha thiết vang lên thấu tận trái tim, tâm hồn, tấm lòng của mỗi tín hữu rằng: hãy trở về với Chúa. Hãy yêu Chúa. Đừng ở gần Chúa mà tâm hồn, lòng trí thì để ở chỗ phù vân. Đừng như người con trai cả trong Dụ ngôn Người Cha Nhân Lành: ở gần Cha, mà lòng xa Cha lắm.
Mùa chay như tiếng gọi tình yêu rất đỗi kiên trì của người tình si gọi người tình bội phản: “Anh ơi, hỡi người tình bỏ em mà đi tìm thú vui nơi khác, hãy trở về với em. Em vẫn chờ vẫn đợi”. “Em ơi, hỡi người tình đứng đàng đông trông đang tây, hãy trở lại với tình yêu của anh, anh không bao giờ ruồng rẫy”. Vâng, nỗi lòng tình yêu của Thiên Chúa còn trung tín mãnh liệt hơn một người tình si trần thế, Người không bao giờ chấp nhất lỗi lầm của người mình yêu và kiên trì mở rộng vòng tay bao dung đón đợi. Bởi vì: “Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người, để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ” (Kn 1, 24). (Ca nhập lễ, Lễ Tro)
“Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người”. Vâng, vì tình yêu mà Chúa không chấp nhất. Và còn hơn nữa, Người cất lên tiếng gọi tình yêu thật thống thiết đến não lòng: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”. (Joel 2,12-13). 


Về với tình yêu

Trở về với Thiên Chúa là tái lập lại tương quan giữa mình với Thiên Chúa, tái xác định đối tượng tình yêu duy nhất và vững bền của mỗi chúng ta là Thiên Chúa, không phải là một thực tại trần gian nào khác. Thánh Phaolô gọi việc nối lại tình yêu với Thiên Chúa  là việc “làm hòa” với Thiên Chúa. Nghĩa là không ở lại trong tư thế đối lập, chống lại Thiên Chúa, nhưng hãy ở lại trong Thiên Chúa. “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,20-21).
Trở về với Thiên Chúa còn là tái xác định mọi thực tại ở trần gian này không phải là đối tượng duy nhất của lòng yêu, không phải là chỗ ký thác đời mình tới vĩnh cửu. Vì thế, mùa chay bắt đầu với lễ tro và việc ăn chay cho chúng ta nhìn ra bộ mặt thật của mọi thực tại trên trần gian: hữu hạn đến mức phù vân. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị các thực tại, nhưng tất cả thực tại phù vân ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết sử dụng nó để góp phần làm viên mãn công trình của Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta và cứu rỗi mọi người.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Lc, 8,36). Nếu chi tiết hơn câu nói của Chúa, chúng ta có thể hiểu: Có xe hơi nhà lầu mà mất linh hồn nào được ích gì? Có chức quyền, danh vọng, bạc tiền, sắc đẹp, tài hoa, mà mất linh hồn nào được ích gì? Kể cả có người yêu mà mất linh hồn nào được ích gì? …. Nhưng, nếu ý thức mọi danh vọng, của cải, bạc tiền, sự nghiệp …. ở trần gian này đều qua đi và biết sử dụng mọi thực tại theo đúng ý Chúa, thì thiết nghĩ, ấy là điều tốt đẹp.

Sống trong tình yêu

Về với tình yêu để sống trong tình yêu, Tin Mừng (Mt 6, 1-6. 16-18) khai mạc mùa Chay đã đề xướng một cuộc sống mới: giao hòa với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện và sử dụng thực tại trần gian cho ý nghĩa bằng cách sống bác ái với mọi người.

Cầu nguyện bằng tình yêu chân thành: “Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.(Mt 6, 6).

Sống bác ái bằng tình yêu chân thành: “Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. (Mt 6, 3-4).
                                                                         CAO HUY HOÀNG( dunglac.org) 


Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

YÊU CÔ ĐƠN




Con chẳng còn sợ hãi nỗi cô đơn
Vì biết Chúa hằng đợi con nơi đó
Trong cô đơn con tìm về bên Chúa
Nguồn ủi an duy nhất cuộc đời con.

...

Trong cô đơn con chẳng thấy đơn côi
Con được lắng sâu trong mối tình của Chúa
Lời yêu thương dịu dàng, chan chứa
Người ngỏ cùng con trong thinh lặng, cô đơn.

Kể từ ngày yêu Chúa, trái tim con
Cũng biết yêu cô đơn từ đó
Và mỗi ngày thêm yêu mến Chúa
Con lại càng yêu mến nỗi cô đơn.

Xin gửi vào trong trái tim con
Nhiều thêm nữa nỗi cô đơn Chúa nhé!
Cho con được ở gần hơn  bên Chúa
Nơi tận cùng của những nỗi cô đơn.

                                  Mùa Xuân Hy Vọng 
                                  (dunglac.org)


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

VALENTINE!


Cứ ngày này, mình lại nghe nhạc, nghe suốt.
Có 1 tình yêu mà người ngoài Công giáo khó cảm nhận, nhưng người Công giáo lại cũng ít người sống trọn vẹn.
Chúc các Tình yêu hạnh phúc!
Mình nhớ bố mẹ, Tình yêu của bố mẹ.
Từ bé, bố mình đã viết một dòng chữ bên dưới tấm ảnh bố mẹ chụp khi đi du lịch. (Bố thì lớn tuổi, mẹ thì còn rất trẻ). "Tình yêu đẹp là Tình yêu cùng nhìn về một hướng", sau này mình biết câu này là của Saint Exupéry "Yêu không là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng".
Mình nhớ tới em, em giờ này chắc cũng hạnh phúc. Tuy chưa cùng nhìn về một hướng nhưng chờ mong một tình yêu không nhuốm màu ích kỷ và được Thánh hóa.
Mình nhớ tới anh. Ở nhà anh vẫn nhớ có mình là đủ.
Mình nhớ, từ khi còn là sv, mình vẫn luôn hy vọng mình có lòng kiếm tìm Tình yêu và không ngừng tin tưởng mình sẽ hạnh phúc với Tình yêu ấy.
                                              (Nhật ký)


Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

ĐÊM DÀI THẬP TỰ


Người yêu hỡi!
Khi Thập tự che khuất ánh kim ô
Là bóng đêm vây phủ cõi tâm hồn
Không le lói dù sao mai bất tử
Hơi thở lòng dù tắt lịm chân không
Chẳng đêm đen cũng chẳng có ngày tàn
Ôi tĩnh mịch của đêm dài Thập tự
Xé tâm hồn thành trăm mảnh xác xơ
Và tim xanh giờ ủ rũ héo tàn
Nếu có ai hỏi vì sao đau khổ
Câu trả lời mãi mãi vẫn là YÊU.
                               Oliu Dại