Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Noel năm nay!

Cứ mỗi dịp Noel về, cái thói quen cố hữu đến một nơi không người, dừng mọi cuộc điện thoại lại được thực hiện. Rời xa thành phố đầy ánh đèn, loa đài... trở lại khu rừng mùa đông của tâm hồn, nhìn ngắm ánh sao sáng trên cao, đối diện với cái rét tê người dù đã được chuẩn bị áo lạnh, nó mong chờ giây phút mà từng hồi chuông đổ dồn, báo giờ phút Chúa đến. Từ lần gặp gỡ đó, nó đã đem hoàn toàn sự tan nát, nghèo nàn,...mà chờ đợi được xoa dịu, chữa lành.  

Khoảng cách

VRNs (25.12.2011) – Cuộc sống có nhiều loại khoảng cách và nhiều kiểu khoảng cách. Có thể là thời gian, không gian, giai cấp, địa vị, trình độ, quan niệm,… Có những khoảng cách hữu hình và có những khoảng cách vô hình.
Mùa Vọng chúng ta được kêu gọi san bằng núi đồi, lấp đầy thung lũng, uốn thẳng đường cong để rút ngắn khoảng cách. Giáng sinh là lúc thực sự phải rút ngắn các khoảng cách vì chính Con Thiên Chúa đã thực hiện điều đó.
Trời và đất cách nhau vòi vọi, thăm thẳm. Tư tưởng của Chúa và tư tưởng của loài người còn cách nhau xa hơn, thậm chí tư tưởng của Chúa còn hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của loài người. Ngài là Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là bụi cát, là tội đồ khốn nạn và đáng án tử, đáng lẽ chúng ta phải nài xin Ngài trước, thế nhưng Ngài đã tự hạ mình trước, Ngài mặc lấy xác phàm nên giống chúng ta hoàn toàn (trừ tội lỗi), bị hất hủi, bị xua đuổi. Một Thiên Vương mà phải sinh ra trong một đêm tối tăm ở nơi hôi tanh như vậy, chắc hẳn không còn nơi nào tồi tệ hơn hang chiên lừa nơi cánh đồng vắng.
Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, khoảng cách giàu – nghèo là khoảng cách vừa vô hình vừa hữu hình, rất rõ nét. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận sự nghèo khó và hèn hạ như vậy hoàn toàn chỉ vì chúng ta, để cứu độ chúng ta. Chúng ta đang là những tử tội mà được trắng án, hóa thành con cái của Ngài. Mọi khoảng cách giữa Ngài và chúng ta không chỉ được rút ngắn tối đa mà còn được xóa bỏ.
Chúng ta biết rõ mười mươi như vậy nhưng có thể chúng ta “biết để mà biết, nghe để mà nghe, đọc để mà đọc”, vì chuyện áp dụng và thực hành thì có lẽ còn xa vời lắm!
Trong mấy ngày qua, khi chúng ta chuẩn bị đón Đệ nhất Hàn vương Giêsu, tin tức quốc nội và quốc ngoại đưa nhiều tin “nóng bỏng” liên quan khoảng cách giàu – nghèo.
Nhà lãnh đạo “thân yêu” Kim Jong-il của Triều Tiên qua đời. Người ta muốn ướp xác ông bằng loại thuốc đặc biệt nhất để hậu thế còn được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Cha ông là chủ tịch Kim Nhật Thành cũng đã được ướp xác. Thế nhưng, dù khoa học tiến bộ, người ta vẫn chưa có loại thuốc ướp xác “độc đáo” như người Hy Lạp cổ đại. Xác ướp của các Pharaon trong kim tự tháp đã 4.000 năm qua mà vẫn còn nguyên, không cần ai “chăm sóc”. Ở nước này hay nức nọ, ngay cả Việt Nam, chúng ta cũng đã biết có những xác ướp cả ngàn năm mà vẫn nguyên vẹn hình hài.
Tần Thủy Hoàng của Trung quốc đã tuyển mỗi ngày 70 ngàn công nhân để xây dựng lăng tẩm cho riêng mình trong suốt 30 năm. Không biết ông ra lệnh hay trả công, nếu tính công thì số ngân khoản quá lớn, và dù không trả công thì chi phí xây dựng lăng tẩm cũng rất lớn. Đó là cái ngông của những con người ác tâm. Ngày nay cũng vẫn có, nhưng thời @ nên người ta tinh vi hơn với kiểu ác tâm tân kỳ hơn!

Ngày nay, người ta muốn ướp xác thì hàng năm phải có người “chăm sóc”, chi phí mỗi năm lên tới cả triệu USD. Mà chỉ có các “ông kia, bà nọ” mới muốn làm và có thể có “quyền” làm điều đó. Người nghèo có mơ cũng không thấy. Một chi phí không nhỏ so với ngân sách quốc gia. Nhưng xét cho cùng, ướp xác để làm gì? Càng giàu hoặc có địa vị thì người ta càng sợ chết, vì sợ nên người ta muốn trấn át nỗi sợ bằng cách “tưởng tượng” ra cảnh hậu thế “tôn sùng” mình khi mình đã xuôi tay nhắm mắt – gọi là “an nghỉ ngàn thu”. Xác an nghỉ mà tâm hồn có an nghỉ hay không?
Còn EVN (Điện lực Việt Nam), lương tháng của một nhân viên văn phòng là 30 triệu VNĐ. Các ngành nghề khác chỉ vài triệu, khổ nhất vẫn là giới lao động nghèo và các công nhân, họ phải đầu tắt mặt tối, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”, thế mà cuộc sống của họ vẫn chật vật, thiếu trước hụt sau. Mỗi dịp lễ, tết, họ càng “đau đầu” khi phải làm bài toán chia mãi mà không có dư số.
Mới đây, tôi dạo qua mấy nhà sách Công giáo và ngạc nhiên khi “tò mò” ngó thử một số hàng thấy giá tiền quá cao. Một chiếc Chén Lễ giá 10 triệu VNĐ, còn một chiếc Mặt Nhật giá tới 44 triệu VNĐ. Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi. Anh bạn cùng đi với tôi có vẻ trầm ngâm và hỏi vu vơ: “Có cần phải mắc tiền vậy không? Chúa có cần như vậy không?”. Tôi cười… trừ! Thực sự tôi chỉ biết làm toán trừ chứ không biết làm các phép tính khác…

Các nhà thờ, các tu viện, và nhiều gia đình, đâu đâu cũng thấy làm hang đá. Nhiều nơi làm hang đá “sang trọng” quá, mang tính trang trí và nặng hình thức, mất ý nghĩa đích thực. Nếu cứ theo “tinh thần thời đại”, chúng ta có thể cho Chúa sinh ra ở khách sạn 5 sao mới phù hợp, bên cạnh không là chiếc đèn dầu lù mù mà là những bóng cao áp sáng chói, không còn chiên lừa mà là lò sưởi hoặc máy điều hòa không khí, không có các mục đồng vây quanh mà là các đại gia sang trọng,…
Thật vậy, nhiều nơi làm hang đá không làm nổi bật Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, mà chỉ thấy nổi bật những cái phụ. Tôi chợt tự vấn: “Còn hang-đá-tâm-hồn của tôi thì sao? Có làm nổi bật Chúa Hài Đồng hay làm nổi bật chính mình và những phụ kiện khác?”
Lạy Chúa Hài Nhi, Ngài là Ngôi Lời, Ngài đến và Ngài không chỉ nói mà còn làm hơn những điều Ngài nói. Ngài chịu nghèo để chúng con giàu sang, Ngài đau khổ để chúng con hạnh phúc, Ngài chịu hèn hạ để nhân vị chúng con được tôn trọng, Ngài đến để phục hồi nhân phẩm cho chúng con,… Ngài đã làm những gì khiêm nhường nhất để nêu gương cho chúng con. Xin giúp chúng con biết dám “ngược đời” như Ngài, biết chia sẻ yêu thương để tỏa ánh sáng đức tin, ánh sáng hy vọng, ánh sáng cứu độ đến mọi người, nhất là những người nhỏ bé nhất trong xã hội. Xin Hài Nhi Giêsu đến ngự trong hang-đá-tâm-hồn-nghèo của mỗi chúng con, bây giờ và mãi mãi, và xin giúp chúng con rút ngắn mọi khoảng cách. Chúng con cầu xin nhân Danh “Đệ nhất Hàn vương” Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

HÀ NỘI - NOEL




Năm trước nhân dịp ra Hà nội nhận giải thưởng văn học, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã giao lưu với anh em blogs Hải Phòng. Và rồi anh đã tặng Muối bài thơ trên blog của anh sau khi hai anh em đi dạo hết phố phường Hà nội, thành cổ... Tuy thời gian ngắn ngủi, Muối chưa thể cùng tác giả hiệp dâng một Thánh lễ, nhưng trong lòng anh đã và vẫn hiệp thông cầu nguyện cho Muối luôn Bình an.
Cảm ơn Anh thật nhiều, và Muối cũng vẫn nhớ đến anh và gia đình anh trong lời nguyện cuối ngày.
Đặc biệt Giáng sinh này, Muối xin phép đưa về blog của Muối để cất giữ như một kỷ niệm của riêng mình.
Trong Đêm Cực Thánh, nơi máng cỏ, Muối xin cảm tạ Cha đã cho Muối sống giữa đời để được vinh dự cùng với anh em vang lời ca tụng Tình yêu của Cha qua Đức Kitô Giêsu.
                                                                                                                    NTD

 
       * Thương tặng Thanh Diêm


Bầu trời nghìn xưa mây trắng
Tháp chuông cao vút khong khen
Gió thổi hồ Gươm cờn cợn
Hà Nội mừng đón Noel...

Em đi lễ Nhà thờ Lớn
Cúi đầu bên tượng Đức Bà
Hang đá Chúa Hài đồng xuống
Lạ lùng một ngôi sao xa

Em đưa anh vào thánh lễ
Ngại ngùng làm dấu bên em
Thánh ca an lành em hát
Ấm lòng máng cỏ Bêlem...

Anh nghe lòng mình Hà Nội
Vô cùng đêm thánh lặng im
Anh nghe mùa đông Hà Nội
Thật gần trong mỗi trái tim !

                        Nguyễn Thánh Ngã

               
     

                                 


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Ai dọn đường… Tôi hay Chúa???



Đúng là hỏi có vẻ ngược đời. Bốn thánh sử đều kêu gọi thiết tha, trong năm B này, Tin Mừng Máccô khẳng định: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3).
Rõ ràng là người nghe, người đọc… là tôi chứ còn ai vào đây nữa ???
Nhưng nhìn vào thực tế chúng tôi tự hỏi rằng sau hơn 30 lần dọn đường bở hơi tai… tại sao Chúa chẳng chịu đi vào con đường của mình nhỉ???
Thế là tôi cứ phải lủi thủi một mình lê bước trên con đường lữ thứ trần gian!!!
Một mình một bóng…
Nói là Chúa đồng hành với mình… nhưng tại sao tôi chẳng thấy Chúa cùng đi với mình nhỉ???
Vậy thì chắc là tôi phải xét lại xem tôi đã dọn đường thế nào???
Tất nhiên là tôi đã dọn đường bằng nhiều cách:
Nào là hy sinh, hãm mình
Nào là nghe giảng
Nào là tĩnh tâm
Nào là xưng tội
Nào là xung phong làm việc tông đồ, bác ái…
Nhiều như vậy… tại sao Chúa vẫn chẳng thèm ngó ngàng gì tới công phu dọn đường đổ mồ hôi, sôi nước mắt của mình!!! không lẽ biến thành công cốc hay sao?
Thôi đúng rồi…
Tất cả những công cuộc dọn đường trên tôi đã thực hiện với tâm hồn của một tên làm công… làm cho xong một bổn phận Giáo hội dạy.
Vì vậy, khi Mùa Vọng trôi qua thì những công cuộc dọn đường có vẻ đầy gian khổ đó cũng như làn khói lam chiều bay theo Mùa Giáng Sinh tưng bừng mà tan biến vào hư không.
Vậy, nếu TÔI không ra tay dọn đường thì ai sẽ là người dọn đường đây?
Câu trả lời có thể gây sốc cho nhiều độc giả: chính Chúa chứ còn ai.
Chúng ta thử phân tích nhé.
Giả sử tôi đã khổ công dọn thành con đường êm như nhưng, mượt như tơ để ông Chúa cao sang hiển vinh tới… như một ông vua tới nhà bần cố nông.
Thế thì ông vua đó sướng qua nhỉ… chẳng phải bận một chút móng tay…
Ồ, nhưng nếu như thế thì lại trái với phương châm của Đấng Cứu Thế: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng làđể phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Vậy thử hỏi ai là người dọn đường đây?
Người phục vụ hay người được phục vụ???
Tất nhiên là người phục vụ rồi…
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chính Chúa là người dọn đường để chúng ta đi một cách thoải mái, hạnh phúc và bình an.
Chúa dọn đường lúc nào???
Ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, Chúa đã dọn cho tôi một con đường thẳng tắp, thênh thang…
“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).
Rõ ràng là Chúa đã dọn đường cho tôi trước khi ngươi lọt lòng mẹ.
Phaolô về sau đã tái khẳng định:
Trong Đức Kitô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người. (Ep 1,4)
Phaolô còn dìu tôi trở về mãi tận thuở bình minh của thế giới: trước cả khi tạo thành vũ trụ.
Thì ra Chúa đã dọn sẵn cho tôi từ muôn thuở chứ không phải chỉ tính từ khi tôi còn trong lòng mẹ hay khi tôi xuất hiện trên đời này!!!
Chúa dọn cho tôi bằng cách nào?
Ta đã biết ngươi: Vì ngươi là con yêu dấu của Ta do chính Ta sinh ra ngươi (Ga 1,13).
Ta đã thánh hoá ngươi: bằng Thánh Thần tình yêu và sức mạnh của Ta.
Tóm lại, mỗi khi Mùa Vọng tới, thay vì hò hét nhau dọn đường khản cả cổ, đổ mồ hôi… chúng ta tận dụng cơ hội này để tái khẳng định: Chính Chúa đã sinh ra tôi, đã yêu thương tôi từ muôn thuở, đã tuôn đổ Thần Khí tràn đầy sức mạnh vào lòng tôi.
Để từ nay tôi sống trong tâm tình người con yêu dấu của Ngài, tập sống với sức mạnh Thánh Thần ngay trong đời sống thường ngày của mình.
Có như thế công trình dọn đường của Chúa cho tôi mới không uổng công, có như thế công trình dọn đường của Chúa mới mang lại cho tôi một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc, bình an như lòng mục tử nhân lành mong ước: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống vàsống dồi dào” (Ga 10,10).
Lung Linh
Theo EMTY

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Chứng Nhân Ánh Sáng Trung Thực

CN III MÙA VỌNG NĂM B

Gioan Tẩy Giả, có lẽ, là vị Thánh Công Giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens...đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy giả…



Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất.



Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy Giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine. Dưới đây là ảnh tác phẩm.



Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.



Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan tẩy giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết".

Dưới đây là icon thể hiện chủ đề "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết" được cho là lâu đời nhất được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.



Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đang nói: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu.

Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta.

Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho Dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”. (Nguyên Hưng).



1.      Chứng nhân ánh sáng trung thực

Khởi đầu Phúc Âm Thánh Gioan đã viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng của sự trung thực.



Chúa Giêsu đã nói về Gioan: “Ðây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm về Gioan: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả” (Mt 11,11). Nhưng so sánh với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.



Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Ðấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.



Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.



Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng trung thực nên đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.



2.      Thánh Gioan sống rất đẹp



Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.



Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.



Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông dân chúng, được dân chúng ngưỡng mộ, xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.



Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.(Ga 3,30)





3.      Thánh Gioan chết cũng rất đẹp, rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.



Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.



Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.



Người theo Ðạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Đức Chân Phước Gioan Phaolo II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.



4.      Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực



Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.



Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.”. Gian dối trở thành tập quán xã hội, một bản tính thứ hai, một nền “đạo đức” của con người, như vậy thì tương lai của dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?



Giáo sư Hoàng Tụy nhận định: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng, đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc... Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả. (x.Báo Khuyến học & Dân trí, Thứ sáu, 28/11/2008).



Lm Nguyễn Hồng Giáo nhận định: Xã hội ta thì xưa nay đã quá quen với việc làm dối, nói dối, báo cáo láo đến nỗi dường như không còn coi đó là một điều xấu nữa. Chúng ta còn nhớ một khẩu hiệu được tung ra thời đầu đổi mới là "Nói thẳng, nói thật". Có chủ trương như thế là vì có tình trạng quanh co, gian dối. Một bài thơ châm biếm đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 18. 5. 1990 có nhan đề đáng để ý.



Thôi xài chữ giả
Chữ nghĩa du di chả mấy hồi
Đói không nói đói, "thiếu ăn" thôi!
Học hành "hạn chế": y chang dốt
Báo cáo "tuy nhiên": ắt hẳn... tồi.
"Vượt mức chỉ tiêu"? Nên bớt nửa,
"Có phần sơ sót"? Hãy nhân đôi...
Mực đen gấy trắng đòi trung thực
Chữ giả xài lâu hỏng lắm rồi. (Long Vân)



Các nhà nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu trung thực tràn lan. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng, ta còn có thể nghĩ tới một nguyên nhân sâu xa mà hình như chưa ai đề cập tới cách thẳng thắn. Đó là liệu tình trạng này có liên quan cách nào đó chăng tới nhân sinh quan chính thức của xã hội ta hay ít nhất là tới một cách làm, cách nghĩ lâu đời đã ăn quá sâu vào trong tâm thức của giới cầm quyền và nhân dân? Tôi không dám khẳng định mà chỉ nêu câu hỏi như một "giả thuyết làm việc", như người ta quen nói trong phạm vi nghiên cứu khoa học (hypothèse de travail)… Tôi thiển nghĩ, muốn cải tổ giáo dục theo chiều hướng trung thực, cần phải có một sự cải tổ sâu hơn về não trạng và về quan niệm đạo đức, tựu trung là về nhân sinh quan. (x. Giả dối lan tràn, tại sao? Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).



Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội mà sự gian dối đã trở thành “đạo đức”.



Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.



Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An