Lamhong
- Nói đến Hàn Mặc Tử người ta nói đến một thi sĩ si tình với tâm hồn
lãng mạn, hào hoa; người ta cũng nhắc nhiều đến những chuyện tình dang
dở nhưng rất mộng mơ mà ông đã nhiều lần khắc ghi trong thơ ca của mình.
Tuy nhiên, người Công Giáo chúng ta cũng nên biết về một Hàn Mặc Tử rất
tin yêu và phó thác cho Thiên Chúa, đặc biệt một Hàn Mặc Tử có lòng
sùng kính sâu đậm người Mẹ chung của toàn nhân loại, là Đức Trinh Nữ
Maria.
Đối với Hàn Mặc Tử, đứng trước Đức Maria là đứng trước một trang giai
nhân tuyệt sắc, là đứng trước một người nữ vĩ đại và cao cả bởi trái
tim, bởi tấm lòng của Người dành cho Thiên Chúa và cho nhân loại. Trong
trường thi “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, ông đã từng phải thốt lên những lời thơ run rẫy, khi đứng trước Trái Tim và tình thương của Mẹ:
“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run – thần tử thấy long nhan,
Run như run – hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.”
Hàn Mặc Tử đã mô tả cho chúng ta biết rằng: Mẹ là Đấng vô cùng cao sang
và đầy quyền uy mà không một người nào trên thế gian có thể sánh bằng,
có thể nói như Hàn Mặc Tử, chúng ta phải trở nên run rẫy khi đứng trước
Thánh Nhan của Mẹ, bởi vì loài người bất xứng. Tuy nhiên, chúng ta lại
càng tin tưởng hơn khi tình thương của Mẹ dành cho chúng ta có thể phủ
lấp mọi khoảng cách đó, và lòng chúng ta vẫn sẽ luôn cảm nhận được sự
thương yêu quan tâm của Mẹ, bằng kho ơn thiêng mà Mẹ sẽ ban.
Chắc hẳn Hàn Mặc Tử đã từng kinh nghiệm về sự hiện diện của Đức Maria
trong tâm trí, trong trái tim mình, nên mới thốt lên những vần thơ như
thế.
Với tình yêu sâu sắc và lòng sùng kính vô bờ bến dành cho Đức Mẹ, Hàn
mặc Tử còn giúp người đời hướng lòng về Mẹ và chạy đến bên Người để được
người ban ơn. Dù trong tâm khảm của những người yêu thơ Hàn Mặc Tử
không mấy khi hình dung về một Hàn Mặc Tử trên tay cầm chuỗi hạt và đang
thả mình trong lời kinh Kính Mừng. Nhưng khi bắt gặp những vần thơ:
“Đây rồi! Đây rồi! Chỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời và tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh”
Hay
…
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng”
…
Chúng ta sẽ lập tức nhận ra một Hàn Mặc Tử luôn bám víu vào chuỗi Mân
Côi và luôn cầu nguyện với Đức Mẹ bằng tràng chuỗi nhiệm mầu ấy.
Trong tháng hoa kính Mẹ, chúng ta cũng nên có tâm tình như Hàn Mặc Tử,
để cảm nhận sâu sắc hơn về tình thương và sự chở che mà Mẹ dành cho mỗi
người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Hàn Mặc Tử đã từng sống trong cảnh
đau khổ, dày vò vì bệnh tật, vì nỗi cô đơn do sự xa lánh của người đời;
nhưng chính trong hoàn cảnh bi thảm nhất của cuộc đời mình Hàn mặc Tử đã
cảm thấy thật hạnh phúc vì có Mẹ ở bên. Thi nhân đã dựa vào người nữ
tuyệt vời ấy để làm động lực sống, làm nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca.
Và chắc chắn Mẹ đã thương đến lời cầu khẩn tha thiết của ông, đã đến bên
ông và ban muôn ơn lành để gìn giữ tâm hồn ông cho đến giây phút ông
trở về cùng Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy bám lấy tràng chuỗi Mân Côi,
dâng lên cho Đức Mẹ triệu đóa hồng trong tháng hoa này và múc lấy muôn
ơn lành mà Mẹ đã hứa cho những ai chạy đến cùng Mẹ.
Cùng Hàn Mặc Tử chúng ta hãy bước vào tháng hoa với cuộc đời mến yêu Mẹ và chuỗi kinh Mân Côi:
"Hỡi
anh chị em, đừng sợ đón mừng Đấng Kitô và đón nhận quyền năng của
Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những ai muốn phục vụ Đấng
Kitô và qua quyền năng của Đấng Kitô phục vụ con người nhân tính và
toàn thể nhân loại. Hãy đừng sợ. Hãy mở rộng cửa ra đón Đấng Kitô. Hãy
mở ra trước quyền năng cứu rỗi của Người những giới tuyến của các Nhà
nước, những hệ thống kinh tế và chính trị, những cánh đồng bát ngát của
văn hoá, văn minh và tiến bộ. Hãy đừng sợ. Đấng Kitô biết "có gì trong
lòng con người". Chỉ mình Người biết điều này..."
*
GIOAN PHAOLÔ II: Đừng sợ
Quảng trường Thánh Phêrô
Ngày Chủ Nhật, 22 tháng Mười, 1978
"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống"
(Mátthêu 16:16). Những lời này được Simon, con ông Giôna, ở thành
Xêdarê Philípphê, nói ra. Vâng, ông nói ra từ chính miệng mình với niềm
xác tín đã sống và trải nghiệm sâu sắc - nhưng lời ấy không khởi nguồn
từ trong lòng ông, mà nguồn gốc của lời ấy là: "... vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều này, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên Trời" (Mátthêu 16:17). Những lời nói ra ấy là những lời của Đức tin.
Những lời này đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Phêrô trong lịch sử cứu
chuộc, trong lịch sử của Dân Chúa. Từ thời điểm ấy, từ Tuyên xưng Đức
tin ấy, lịch sử thiêng liêng của cứu chuộc và Dân Chúa chắc chắn bắt đầu
mang tầm vóc mới: thể hiện mình trong tầm vóc lịch sử của Hội Thánh.
Tầm vóc giáo hội trong lịch sử Dân Chúa có khởi nguồn, đúng hơn được
sinh ra, chính từ những lời của Đức tin này, và được gắn bó với người đã
thốt ra những lời ấy: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy."
Vào ngày này và tại nơi này chính những lời này cần phải được thốt ra và được lắng nghe lần nữa:
"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống"
Vâng, hỡi các anh em và các con nam và nữ, khởi thuỷ chính là những lời này.
Nội dung của những lời này khải thị trước mắt chúng ta sự mầu nhiệm của
Thiên Chúa Hằng sống, sự mầu nhiệm mà Đấng Kitô, Con của Thiên Chúa đã
đưa chúng ta đến gần. Thật sự không có ai đã đưa Thiên Chúa Hằng sống
đến gần con người và khải thị Thiên Chúa như Đấng Kitô đã làm một mình.
Trong tri thức của chúng ta về Thiên Chúa, trong cuộc hành trình của
chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn gắn bó với sức mạnh của
những lời này: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha." Thiên Chúa là
Đấng vô cùng, huyền nhiệm, khôn tả, đã đến gần với chúng ta qua Đấng
Giêsu Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa được sinh ra, được Đức mẹ
Maria Đồng trinh sinh hạ trong máng lừa Bê Lem.
Tất cả những ai đang mưu tìm đến Thiên Chúa, tất cả những ai đã vô cùng
may mắn tin Thiên Chúa, và tất cả những ai đang bị hoài nghi dày vò:
ngày hôm nay tại nơi thiêng liêng này, xin các anh chị em hãy lắng nghe
lần nữa những lời được Simon Phêrô nói ra. Trong những lời ấy là đức
tin của Hội Thánh. Trong chính những lời ấy là chân lý mới, đúng ra, là
chân lý cuối cùng và cao quý nhất về con người: con Thiên Chúa Hằng
sống - "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống."
Ngày hôm nay đức Giám mục mới của Rôma long trọng bắt đầu Thánh chức
của mình cùng sứ vụ của Phêrô. Thực ra, tại thành phố này, Phêrô đã
hoàn tất và đã làm tròn sứ vụ Đức Chúa đã phó thác cho ông. Đức Chúa
đã nói trực tiếp với ông những lời này: "...lúc còn trẻ, anh tự mình
thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý; nhưng khi về già anh sẽ phải giang tay
ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Gioan 21:18).
Phêrô đến Rôma!
Còn điều gì khác hơn nữa ngoài sự tuân theo linh hứng nhận được từ Đức
Chúa đã dẫn dắt ông và đưa ông đến thành phố này, trung tâm của Đế
quốc? Có lẽ người dân chài miền Galilê ấy đã không muốn đến đây. Có lẽ
ông thích ở lại nơi chốn xưa ấy, trên bờ Hồ Ghennêxarét, với thuyền và
lưới của mình. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa, tuân theo linh hướng
của Người, ông đã đến đây!
Theo truyền thuyết xưa được lưu truyền (được tái hiện kỳ diệu qua văn
chương trong tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz), Phêrô muốn rời khỏi
Rôma trong thời bách hại của Nero. Nhưng Đức Chúa đã can dự: Đức Chúa
đi gặp ông. Phêrô thưa chuyện với Đức Chúa rồi hỏi. "Quo vadis, Domine?" nghĩa là "Lạy Đức Chúa, Đức Chúa đang đi đâu?" Đức Chúa trả lời ông tức thì: "Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh trên thập giá lần nữa." Phêrô liền quay trở lại Rôma và ở lại nơi này cho đến ngày ông bị đóng đinh trên thập giá.
Vâng, hỡi các anh em và các con nam và nữ, Rôma là Tòa Thánh của Phêrô.
Trải qua suốt qua bao nhiêu thế kỷ những bậc giám mục mới không ngừng
kế vị ông tại Toà Thánh này. Ngày hôm nay một giám mục mới đến Toà
thánh của Phêrô ở Rôma, một giám mục mới lòng đầy lo sợ, xét mình thật
không xứng đáng. Ai lại không run rẩy trước ơn gọi cao cả này và trước
sứ vụ phổ quát của Toà Thánh Rôma!
Kế vị chức giám mục của Phêrô ngày hôm nay là giám mục không phải người
Rôma. Giám mục là người con của Ba Lan. Nhưng từ giây phút này ông
cũng trở thành người Rôma. Vâng - người Rôma. Ông là người Rôma cũng vì
ông là con của một nước nơi lịch sử, ngay từ buổi bình minh đầu tiên,
nơi truyền thống ngàn năm đều in dấu mối liên hệ hằng sống, mạnh mẽ,
bền vững, và được cảm nhận sâu sắc với Toà thánh của Phê rô, một nước
mãi mãi trung thành với Toà Thánh Rôma. Huyền nhiệm thay sự an bài của
Thiên Chúa Quan phòng!
Trong những thế kỷ qua, khi các bậc kế vị Phêrô cai quản toà thánh của ông, triregnum
hay ngọc miện được đội lên đầu họ. Đức Giáo hoàng cuối cùng được đội
ngọc miện là Phaolô VI vào năm 1963, nhưng sau lễ gia miện trang nghiêm
ấy ông không bao giờ dùng đến ngọc miện nữa và để cho những bậc kế vị
ông tự do quyết định chuyện này.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, mà ký ức về người vẫn còn sống động
trong lòng chúng ta, đã không muốn dùng ngọc miện; ngày hôm nay người
kế vị ông cũng không muốn dùng đến. Đây không phải là lúc trở lại lễ và
vật vốn được coi không đúng là biểu tượng của quyền lực thế tục của
các Giáo hoàng.
Thời đại của chúng ta kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta, buộc chúng
ta nhìn chăm chú vào Đức Chúa và đắm mình trong suy niệm khiêm nhường
và ngoan đạo về sự mầu nhiệm của quyền năng tối cao của chính Đấng
Kitô.
Người được hạ sinh từ Đức mẹ Maria Đồng trinh, Con của người thợ mộc
(như người đời tưởng thế), Con của Thiên Chúa hằng sống (được Phêrô xác
tín), đã đến để làm cho tất cả chúng ta là "một vương quốc tư tế".
Cộng đồng Vatican Thứ hai đã nhắc chúng ta về sự mầu nhiệm của quyền
năng này và về sự thật rằng sứ vụ của Đấng Kitô với cương vị Tư tế, Ngôn
sứ - Thầy dạy và Vua vẫn tiếp tục trong Hội Thánh. Tất cả mọi người,
toàn thể Dân Chúa, đều dự phần trong sứ vụ ba cách này. Có lẽ trong quá
khứ, ngọc miện, vương miện ba tầng này, được đội lên đầu của Giáo hoàng
để qua biểu tượng đó thể hiện kế hoạch của Đức Chúa cho Hội Thánh của
Người, cụ thể tất cả các phẩm trật của Hội Thánh của Đấng Kitô, tất cả
"quyền năng thiêng liêng" được thực thi trong Hội Thánh, là không có gì
khác hơn ngoài sự phụng sự, phụng sự với mục đích duy nhất: đảm bảo
rằng toàn thể Dân chúa đều dự phần trong sứ vụ ba cách này của Đấng
Kitô và luôn luôn dưới quyền năng của Đức Chúa, một quyền năng có cội
nguồn không phải từ quyền lực của thế gian này mà từ sự mầu nhiệm của
Thánh giá và Phục sinh.
Quyền năng tuyệt đối nhưng êm dịu ngọt ngào của Đức Chúa đáp ứng với
toàn bộ chiều sâu của con người nhân tính, với những nguyện vọng cao đẹp
nhất của con người về trí tuệ, ý chí và thương yêu. Quyền năng ấy
không nói bằng ngôn ngữ của vũ lực mà thể hiện mình qua bác ái và chân
lý.
Người kế vị Phêrô mới ở Toà Thánh Rôma, ngày hôm nay xin dâng lời cầu
nguyện thiết tha, khiêm nhường và tin tưởng: con cầu nguyện Đấng Kitô
cho con trở thành tôi tớ và mãi mãi là tôi tớ của quyền năng độc nhất
của Người, tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, tôi tớ của quyền
năng không biết đến chiều tà của Người. Hãy cho con được làm tôi tớ, tôi
tớ của những tôi tớ của Người.
Hỡi các anh chị em, đừng sợ đón mừng Đấng Kitô và đón nhận quyền năng
của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những ai muốn phục vụ Đấng
Kitô và qua quyền năng của Đấng Kitô phục vụ con người nhân tính và
toàn thể nhân loại. Hãy đừng sợ. Hãy mở rộng cửa ra đón Đấng Kitô.
Hãy mở ra trước quyền năng cứu rỗi của Người những giới tuyến của các
Nhà nước, những hệ thống kinh tế và chính trị, những cánh đồng bát ngát
của văn hoá, văn minh và tiến bộ. Hãy đừng sợ. Đấng Kitô biết "có gì trong lòng con người". Chỉ mình Người biết điều này.
Đôi khi ngày nay con người không biết có gì trong lòng mình, trong sâu
thẳm tâm hồn mình. Đôi khi con người không chắc chắn về ý nghĩa của
cuộc đời mình trên thế gian này. Con người bị hoài nghi dày vò, rồi
hoài nghi biến thành tuyệt vọng. Cho nên chúng tôi kêu gọi các anh chị
em, với tất cả tin tưởng và khiêm nhường chúng tôi van xin các anh chị
em, hãy để Đấng Kitô nói với con người. Chỉ mình Người có lời của sự
sống, đúng, lời của sự sống đời đời.
Chính xác vào ngày hôm nay toàn thể Hội Thánh đang mừng "Ngày Sứ vụ Thế
giới"; nghĩa là, Hội Thánh đang cầu nguyện, suy niệm và hành động để
cho lời của sự sống của Đấng Kittô có thể đến với tất cả mọi người và
được tất cả mọi người đón nhận như một thông điệp của hy vọng, cứu
chuộc, và giải phóng hoàn toàn.
Trần Quốc Việt dịch
Nguồn: Trang nhà của Toà Thánh Vatican
Những đoạn trích dẫn in nghiêng người dịch lấy từ bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Người dịch chân thành cảm ơn sâu sắc các dịch giả của nhóm phiên dịch.